Thứ Hai, 30 tháng 5, 2016

HaThanh

[Học chụp ảnh] - Bài tổng quát từ A-Z của National Geographic

Nếu bạn tự học chụp ảnh và đang cần một bài viết tổng quát hoá từ A-Z để nhập môn nhiếp ảnh thì đây là bài dành cho bạn.NatGeo gọi đây là "Basic Rules", dành cho tất cả những ai thích chụp ảnh có được cái nhìn tổng quát nhất về nhiếp ảnh, bao gồm cả sử dụng thiết bị lẫn kỹ thuật chụp. Thấy nó hữu ích cho anh em mới tìm lối tự học và anh em đã thành thạo có cái tổng hợp, mình chuyển dịch lại và biên tập một chút chia sẻ anh em.

Bài rất dài, mình đã nghĩ là cắt ra từng phần, nhưng làm như thế sẽ mất đi tính chất một bài tổng quát hoá kiến thức "Basic Rules" mà NatGeo muốn gửi cho anh em thích chụp. Nên mình để nguyên vậy. Anh em chịu khó nhé.

Mục lục "Basic Rules":


TỔNG QUAN MÁY ẢNH
Nhiếp ảnh số đã vượt qua nhiếp ảnh phim và trở nên phổ biến. Những người làm nghề ảnh chụp ảnh dùng phim bất đắc dĩ phải thay đổi thiết bị ghi hình và cập nhật công nghệ số, hoặc "ngồi chơi xơi nước" hoài cổ về thời hoàng kim trong quá khứ. Còn trong thế giới ảnh nghệ thuật, máy ảnh chụp phim vẫn được ưa chuộng. Lời khuyên thật đơn giản: hãy cứ chọn cho mình những công cụ ghi hình cần thiết và phù hợp miễn sao gặt hái thành quả như mong muốn.

Trước đây, một thợ chụp chuyên nghiệp có thể tùy chọn cho mình một chiếc máy ảnh giữa vô số những kiểu máy ảnh chụp phim—phản xạ ống kính đơn (SLR single lens reflexes), ống kính kép (twin lens reflexes), máy dùng khung ngắm trắc viễn (rangefinders), và một số khác, tùy mẫu mã người ta nhìn thấy mà đặt tên cho chúng—khi chọn công cụ cho công việc làm ăn của họ. Hiện nay, cùng với sự xuất hiện của công nghệ và phần mềm kỹ thuật số, hầu hết những người chụp ảnh nghiêm túc và lành nghề đều có thể tin cậy vào khả năng một máy ảnh số phản xạ ống kính đơn, hay còn gọi là D-SLR (digital single-lens reflex).



Một chiếc D-SLR là một công cụ ghi hình quan trọng, như các máy ảnh chuyên chụp phim, cho phép ngắm các đối tượng qua ống kính và ghi lại hình ảnh trên cảm biến. Tiến trình này diễn ra qua một gương lật phản quang và cầu phản xạ ngũ giác đưa hình ảnh đến ống ngắm mà người ta gọi là “nhìn sao chụp vậy” (WYSIWYG - What You See Is What You Get). Thật khó hình dung được, mỗi khi bạn nhấn phím chụp để chụp một bức ảnh, một gương phản xạ nằm giữa ống kính và cảm biến lật lên, màn trập mở ra, và cảm biến được phơi sáng trong một thời gian nhất định. Đồng thời bộ vi xử lý ghi nhận các thông tin hình ảnh đã được cảm biến ghi lên thẻ nhớ. Tốc độ chụp liên tiếp của một số máy ảnh ngày nay rất cao, nhiếp ảnh gia thể thao và báo chí sử dụng, chúng có thể chụp đến 8 - 11 bức ảnh trong một giây và có thể chụp liên tục 160 - 200 ảnh mới đầy bộ nhớ đệm.

Có hai loại máy ảnh D-SLR dành cho tất cả các nhu cầu và mục đích.

  • Trước hết là loại máy ảnh mang dáng dấp truyền thống, cơ bản là được thiết kế dựa trên kiểu máy ảnh chụp phim 35mm (Full Frame) với kích thước bằng khổ tương đương phim 35mm hoặc nhỏ hơn (Crop 1.5x, 1.4x, ...). Những người chụp ảnh vốn thường sử dụng cả hai loại máy ảnh phim chuyên nghiệp khổ trung (medium format) và khổ lớn (large format) đều nhận thấy rằng, trong một số trường hợp, loại D-SLR đời mới có thể mang lại hình ảnh chất lượng tốt hơn so với hình ảnh mà họ có thể có được từ phim. (thuật ngữ “khổ” của một máy ảnh là để nói về kích thước âm bản của máy ảnh chụp phim và kích thước của cảm biến của máy ảnh KTS. Khổ lớn là muốn nói đến những máy ảnh cho ra phim âm bản cỡ 4,5 inch và lớn hơn, trái lại, khổ nhỏ là để chỉ về những máy ảnh khổ 35mm). Những người trước đây sử dụng các máy ảnh phim compact và rangefinder thuộc hàng cao cấp cũng đang bị hấp dẫn với tính chất hữu dụng và chất lượng hình ảnh số do D-SLR mang lại.
  • Loại thứ hai là phần số gắn trên SLR medium format (digital back). Đơn thuần chỉ là bộ phận số gắn trên máy ảnh dùng phim medium format. Một vài nhà sản xuất cho ra những chiếc D-SLR khổ lớn bằng cách sử dụng các cảm biến CCD lớn hơn (medium số). Những loại máy ảnh này có xu hướng được dùng để chụp những bức ảnh đòi hỏi độ phân giải cao, như phong cảnh, thời trang hay ảnh tĩnh vật chẳng hạn.


Khi sở hữu một chiếc máy ảnh, bạn cần hiểu rõ nó, thành thạo sử dụng, và nó sẽ là công cụ phục vụ cho ý muốn của bạn. Luôn nhớ rằng công nghệ mới luôn được cải tiến không ngừng đươc nâng cao. Ngay khi bạn vừa mua một chiếc mẫu mới và làm quen với việc sử dụng nó, thì một mẫu khác mới hơn sẽ có mặt trên thị trường. Vì vậy, hài lòng và khai thác tối đa công cụ hiện có, đầu tư ý tưởng và những dự án ảnh của mình nhiều hơn.


Theo: Tinh Tế

HaThanh

About HaThanh -

Blog chia sẻ, sưu tầm bài viết về các chủ đề nhiếp ảnh

Subscribe to this Blog via Email :