Thứ Sáu, 3 tháng 6, 2016

HaThanh

[Học chụp ảnh] Bố cục cơ bản & mở hướng sáng tạo

Phần này đang đề cập đến một “nhãn quan” đối với một bức ảnh. Nhiếp ảnh là nhìn một thứ gì đó dưới dạng một hình ảnh và ghi nhận nó một cách thú vị và sinh động. Nếu chủ thể không có nội dung để bắt đầu với nó, bạn chẳng cần gì phải đưa thêm vào làm gì cho người xem thắc mắc. Nếu các màu sắc và hình dạng của chủ thể không bổ sung cho nhau, thì ngay cả những đường dẫn cũng chẳng ích gì cho bạn. Những thứ kia có mặt là nhằm giúp bạn tạo ra tối đa những gì bạn nhìn thấy và chụp ảnh. Nếu không ngừng nhìn xem và suy nghĩ, bạn sẽ chẳng thể nào có được những bức ảnh tuyệt vời.


Lên bố cục cho bức ảnh của bạn một cách đúng đắn, nói một cách đơn giản, là làm ra một bức ảnh hài hòa. Việc này được thực hiện dễ dàng trong hầu hết các trường hợp. Thi thoảng, đơn giản chỉ là dựng đứng máy ảnh lên để chụp, khác với dạng thức chụp thông thường là cầm ngang máy ảnh để chụp phong cảnh .

Mục lục "Basic Rules":

Điều quan trọng là phải suy nghĩ thực sự về bức ảnh mình chụp và đừng quá sa vào các chi tiết kỹ thuật. Điểu này nghe có vẻ đạo đức giả, bởi vì phần chủ yếu của tập sách này đang bàn đến những phương diện kỹ thuật của nhiếp ảnh KTS, nhưng điều cốt yếu là hãy hiểu rằng khía cạnh kỹ thuật hiện hữu là nhằm giúp bạn có dịp thể hiện óc sáng tạo của mình. Nếu không nắm vững đầy đủ các cơ bản về sắp xếp bố cục, thì dẫu bạn có tiến bộ mấy về mặt kỹ thuật chăng nữa, các bức ảnh bạn chụp sẽ luôn thiếu đầu hụt đuôi.

Để khởi sự, hãy táo bạo và đưa toàn bộ chủ thể lọt vào ống ngắm của bạn. Nếu chủ thể thích hợp với một bức ảnh dọc, hãy chụp theo chiều đứng. Nếu chủ thể phù hợp với một bức ảnh ngang, hãy chụp theo kiểu nằm ngang. Lúc mới chụp ảnh, khi xem lại những bức ảnh vào cuối ngày, bạn sẽ ngạc nhiên khi nhận ra các chủ thể đều nhỏ hơn khung hình bạn đã chọn. Khi nhìn qua ống ngắm, bạn phải luôn đinh ninh trong đầu mình là đang nhìn vào mọi thứ nằm trong ống ngắm. Hãy lưu ý đến những gì chung quanh chủ thể và tự hỏi liệu chúng có đóng góp được gì thêm cho bức ảnh bạn đang định chụp hay không.

Một trong những ưu điểm của máy ảnh compact KTS, mà hầu hết máy ảnh D-SLR đều không có, đó là có thể dùng màn hình LCD ở mặt sau máy ảnh như một ống ngắm. Tôi nhận thấy người ta có khuynh hướng lên khung các bức ảnh của họ tốt hơn nhiều, khi sử dụng màn hình LCD, bởi vì họ có thể xem thấy toàn bộ bức ảnh. Màn hình LCD nhỏ đến mức mắt bạn không đảo ra ngoài khung hình được. Khi bạn nhìn qua một ống ngắm được thiết kế theo kiểu mắt thường, thì mắt bạn dễ đảo qua đảo lại và, do đó, không xem xét được hết khung hình.

Khi chụp một bức chân dung cận cảnh, bạn hãy tìm cách thử nghiệm cách lên khung của mình. Không phải lúc nào chủ thể bạn chụp cũng nằm giữa khung hình và nhìn thẳng vào máy ảnh. Có thể khi chụp con gái của bạn, chẳng hạn, thì có thể là thú vị hơn khi bố cục ảnh với cô bé ở bên trái hoặc bên phải, hay ngay chính giữa bức ảnh. Đến đây, mỗi khi bắt đầu lên khung cho các bức chân dung, bạn đã bắt đầu lên bố cục tốt cho các bức ảnh của bạn được rồi.

Vào thời Leonardo da Vinci, các họa sĩ mới bắt đầu nảy nở tài năng đã có quy tắc một phần ba được nhắc đi nhắc lại cho họ tại trường nghệ thuật. Tôi tự thấy các quy tắc thật là chán ngắt, nhưng buộc phải chấp nhận đây là một quy tắc thực sự rất hữu ích đối với những người học chụp ảnh.



Nhìn qua ống ngắm và ngẩm chia cảnh chụp thành ba phần ngang và dọc, như một kiểu ô chữ. Những điểm có các phần giao cắt nhau là những vị trí mà mắt thường tự nhiên nhận ra khi nhìn vào một bức ảnh. Do đó, thật hợp lý khi bạn tìm cách đặt chủ thể vào gần một trong bốn điểm giao cắt ấy. Trường hợp chụp phong cảnh, thì cũng tốt khi thực hành lên bố cục bằng cách đặt đường chân trời vào một trong những đường tưởng tượng. Đến đây, chúng ta cũng phải lưu ý việc giữ thẳng đường chân trời cũng rất quan trọng. Những người mới bắt đầu thường hay mắc lỗi phổ biến này nhất. Thật khó coi khi nhìn thấy một bức ảnh có đường chân trời đổ nghiêng xuống.

Thay đổi góc chụp một bức ảnh có thể làm cho nó thay đổi rất nhiều. Với những chủ thể nhỏ, chẳng hạn như một vật nuôi và những đứa bé, bạn hãy cố thấp mình cho ngang tầm với chúng. Nằm xuống và nhìn lên đứa con một tuổi của bạn đang chập chững bước đi thì sẽ có một bức ảnh đẹp hơn rất nhiều. Một bức chân dung chụp cận cảnh con chó của bạn đang ngủ trên tấm thảm sẽ được chụp đẹp hơn rất nhiều nếu bạn nằm xuống ngang tầm với nó. Chọn một vị trí năng động để ngắm có thể hữu ích cho việc chụp ảnh và làm nổi bật các bức ảnh của bạn. Đừng ngại mình quá đáng và đứng ngay phía trên chú chó đang ngủ. Việc này có thể hoặc không thể mang lại thêm điểm ngắm phù hợp; song điều chủ yếu là hãy luôn thử nghiệm và tìm cho được bức ảnh sinh động nhất.



Tôi biết mình cứ nhắc đi nhắc lại như con vẹt, nhưng hãy luôn xem lại các bức ảnh của bạn trên màn hình LCD đằng sau máy ảnh KTS. Một mẹo hay đối với các máy ảnh có màn hình LCD là có thể sử dụng nó như một ống ngắm—nếu là loại có màn hình có bản lề và có thể điều chỉnh được—bằng cách giữ máy ảnh nằm trên sàn hoặc đưa lên cao quá đầu để có thêm điểm ngắm năng động và nhìn bức ảnh qua màn hình LCD để kiểm tra bố cục của bạn. Cách này đôi khi giúp bạn có thể có được một điểm ngắm, mà nếu với ống ngắm thông thường, bạn không thể làm được khi phải lên bố cục cho một bức ảnh. Có nhiều lúc bạn càng ít linh lợi, thì lại có thể càng hữu ích đối với bạn hơn.

Nếu khung hình của bạn chứa đựng những tuyến đường rõ ràng hoặc kéo dài liên tục, như những con đường, con sông, hàng rào, những tòa cao ốc, v.v…, hãy tận dụng những đường nét ấy khi lên bố cục cho bức ảnh để hướng mắt bạn nhìn vào chủ thể chính. Việc này đặc biệt hiệu quả khi các đường nét xuất phát từ góc dưới bức ảnh. Một con đường uốn khúc quanh co, chẳng hạn, dẫn đến một ngôi nhà thờ bạn đang chụp ảnh, đều dẫn dắt ánh mắt của bạn vào giữa bức ảnh.


Một lời cuối về màu sắc trong bố cục ảnh của bạn. Thật vô ích khi tìm cách áp dụng nguyên tắc một phần ba vào đây; chính bạn phải đích thân xem xét và đánh giá màu sắc cũng như nét thẩm mỹ của những kết hợp khác nhau. Các màu sắc có thể mang lại cho bức ảnh một cảm giác ấm áp hoặc lạnh lùng, phản ánh lại cái nhìn bằng nhận thức trước đó của chúng ta về màu sắc. Một cảnh mùa đông có thể được tôn thêm bằng cách sử dụng màu xanh lơ trong bức ảnh để nó toát ra vẻ lạnh lẽo, chẳng hạn, hay một chiếc dù màu đỏ trên bãi cát vàng có thể gợi lên cảm giác ấm áp. Tuy không phải lúc nào cũng có thể đưa thêm màu sắc vào bức ảnh, nhưng hãy chăm chút với màu sắc, nếu bạn đang có ý định có cho được bức ảnh thành công.


Theo: Tinh Tế

HaThanh

About HaThanh -

Blog chia sẻ, sưu tầm bài viết về các chủ đề nhiếp ảnh

Subscribe to this Blog via Email :