Thứ Hai, 30 tháng 5, 2016

HaThanh

[Học chụp ảnh] Ánh sáng - ISO - Tốc độ màn trập và Khẩu độ ống kính

Để ghi lại được một hình ảnh đầy đủ màu sắc trên cảm biến, bạn cần phải để cho lượng ánh sáng đủ đi vào cảm biến. Có ba yếu tố điều chỉnh thời lượng và số lượng ánh sáng, đó là độ nhạy của cảm biến (ISO), tốc độ màn trập và khẩu độ.




ISO - Độ nhạy của cảm biến
Thời nhiếp ảnh phim còn thống trị, việc phơi sáng là một chủ đề cực kỳ quan trọng. Thời đại KTS cho phép chúng ta có thể nhìn thấy kết quả những thiết đặt thông số của chúng ta ngay lập tức. Không khác gì máy ảnh chụp phim, máy ảnh D-SLR cũng tập trung vào độ sáng của chủ thể, độ tương phản, màu sắc của hình ảnh và vùng được lấy nét. Khi được cài đặt ở chế độ phơi sáng tự động, máy ảnh ngay lập tức tính toán tất cả những thứ ấy.

Mục lục "Basic Rules":

Nếu bạn là người mới đặt chân vào nghề, có nhiều yếu tố khác nhau cần phải được xem xét trước khi bạn bấm máy. Tôi lên khung cho bức ảnh ra sao? Nó có nằm trong vùng lấy nét không? Hậu cảnh như thế nào? Trước khi tất cả những yếu tố ấy trở nên thuần thục, thì điều khôn ngoan là bạn hãy đặt máy ảnh ở chế độ phơi sáng tự động. Việc này sẽ giúp bạn ít lo lắng hơn khi phải tập trung vào quá nhiều thứ. Dần dà sau đó, khi đã trở nên thành thạo kỹ thuật và đã học được cách thao tác máy ảnh, bạn sẽ bắt đầu cân nhắc kỹ từng điều chỉnh nhỏ trên máy ảnh để chụp ảnh một cách hoàn hảo. Chúng ta sẽ không chỉ học cách phơi sáng chính xác (đúng sáng), mà còn học cách tùy nghi để cho dư sáng hoặc thiếu sáng.

Việc chụp ảnh bằng phim đòi hỏi phải thay phim nếu muốn thay đổi ISO. Nhiếp ảnh KTS, trái lại, cho phép bạn chụp một loạt ảnh, thậm chí chỉ một bức ảnh, với một thiết đặt ISO này, rồi đổi qua một thiết đặt ISO khác, và tiếp tục chụp. Bạn có thể thay đổi ISO bất cứ lúc nào bạn muốn. Nguyên tắc là: ISO càng cao, độ nhạy sáng càng cao và hệ quả là nguy cơ nhiễu hạt càng cao. ISO càng thấp, độ nhạy sáng càng thấp và ảnh càng mịn.​


Tốc độ màn trập
Tốc độ màn trập là lượng thời gian cảm biến hình ảnh được chiếu sáng (thời gian lộ sáng), nên có thể hiểu nôm na là thời gian mở và đóng màn trập chậm / lâu / kéo dài tức là tốc độ màn trập thấp, thời gian lộ sáng kéo dài; ngược lại thời gian mở và đóng màn trập nhanh / ngắn tức là tốc độ màn trập cao, thời gian lộ sáng ngắn. Lượng thời gian lộ sáng hay còn gọi là phơi sáng đó càng dài thì ánh sáng vào cảm biến càng nhiều (trong cùng điều kiện với các thông số khác: khẩu độ & ISO). Mỗi nấc tốc độ tương ứng thời gian màn trập mở nhanh gấp đôi nấc đứng trước nó và bằng 1/2 nấc đứng sau nó. 1/125 nhanh gấp đôi tốc độ 1/60 và 1/250 nhanh gấp đôi 1/125 chẳng hạn.​



Đây là một số mẹo cơ bản về tốc độ chụp để bắt đầu:
  • Để bắt dính một chiếc xe trên đường đua, hay một ai đó đang chạy xe đạp, hãy bắt đầu với 1/500-1/1000 giây.
  • Đối với những bức ảnh thường ngày như chân dung hay quang cảnh, hãy sử dụng tốc độ từ 1/60 giây đến 1/250 giây.
  • Nếu ánh sáng không thực sự tốt, đừng tìm cách giảm xuống dưới 1/60 giây. Nếu là trường hợp bất khả kháng, bạn hãy cố giữ cho máy ảnh thật ổn định nhưng đừng mong bắt đính được bất cứ chuyển động nào mà ảnh đạt độ nét tốt.
Khẩu độ (f-stop)
Khẩu độ càng lớn (chỉ số F càng nhỏ) thì khoảng DOF sẽ càng ít/mỏng/cạn và ngược lại. Ví dụ bạn chụp ở khẩu độ f/2.8 thì DOF sẽ ít hơn (cạn hơn, mỏng hơn) so với chụp ở khẩu độ f/22 (dày hơn, sâu hơn) nếu chụp cùng một chủ đề, cùng một khoảng cách chụp và cùng điều kiện ánh sáng. Thông thường để dễ hiểu chúng ta cần ghi nhớ đơn giản như sau:
  • Khẩu độ lớn = số F nhỏ = DOF mỏng
  • Khẩu độ nhỏ = số F lớn = DOF sâu​




Theo: Tinh Tế

HaThanh

About HaThanh -

Blog chia sẻ, sưu tầm bài viết về các chủ đề nhiếp ảnh

Subscribe to this Blog via Email :