Thứ Ba, 10 tháng 5, 2016

HaThanh

Nhiếp ảnh cho người mới bất đầu - Bài 3: Cần làm gì khi mua máy ảnh cũ?

Thường những người mới bắt đầu chơi ảnh sẽ rất phân vân và không biết nên lựa chọn cho mình một chiếc máy ảnh nào phù hợp với nhu cầu của bản thân. Sau khi đã chọn cho mình được một chiếc máy ảnh phù hợp thì có thể túi tiền không đủ hay cũng sẽ ngại ngùng đầu tư một khoản tiền lớn để sắm thiết bị. Lúc đó lựa chọn mua một chiếc máy ảnh cũ và vẫn dùng tốt là một sự lựa chọn hoàn hảo vừa rẻ tiền, vừa đáp ứng được nhu cầu chụp choẹt lại vừa sắm cho mình được một chiếc máy ảnh đời cao. Vậy để kiểm tra được một chiếc máy ảnh cũ hoạt động tốt, giá cả phải chăng và không bị hớ thì cần phải kiểm tra những vấn đề gì? Sau đây nhà cháu xin chia sẻ một ít kinh nghiệm và hi vọng rằng các bạn newbie trong XÓM không bị hớ hàng khi mua sản phẩm cũ.



 1. Máy ảnh DSLR 

 - Điều đầu tiên chúng ta thường quan tâm đến máy ảnh cũ đó là số lần chụp (số shots) của máy ảnh được bao nhiêu? Thông thường các máy ảnh DSLR phổ thông dòng entrylever, bán chuyên có tuổi thọ trung bình của màn trập là từ 100.000 đến 150.000 shots, còn dòng chuyên nghiệp có tuổi thọ trung bình khoảng 200.00 - 400.000 shots. Tùy vào từng dòng máy mà nhà sản xuất có đưa ra thông số kỹ thuật của từng máy cụ thể. Trước khi mua các bạn tham khảo trước tuổi thọ màn trập cụ thể của máy đó để khi xem máy ước chừng được giá cả và độ mới, cũ của máy. Vậy làm sao để kiểm tra được số shots? Có nhiều cách để kiểm tra số shots chụp của máy ảnh như sử dụng phần mềm với máy ảnh canon dùng EOSInfo, EOSMSG http://eosmsg.software.informer.com/, với máy Nikon dùng phần mềm opanda iexif http://www.opanda.com/en/iexif/download.htm, tuy nhiên bây giờ số shots của máy ảnh có thể reset về 0. Và khi trao đổi trực tiếp thường chúng ta cũng không có đủ máy tính hay công cụ để test ngay được số shots chụp vì thế để chắc chắn mọi người nên mua chỗ nào uy tín có bảo hành, test đổi trả trong một khoảng thời gian nhất định để không bị hớ. Mình xin đưa ra lời khuyên cho các bạn với các dòng entry level nên mua máy có số shot dưới 20.000 shots, dòng bán chuyên nên mua máy dưới 30.000 shots, dòng chuyên nghiệp nên mua máy dưới 50.000 shots. Vì số shots chụp liên quan đến thời gian sử dụng của máy, ảnh hưởng đến cảm biến, ngoại hình của máy.


 Kiểm tra số shots chụp bằng phần mềm EOSMSG cho máy Canon 

 - Thứ hai chúng ta quan tâm đến là về ngoại hình của máy. Vấn đề này có lẽ liên quan đến sự cẩn thận của người sử dụng máy ảnh nhiều hơn. Có những máy ảnh số shots chụp chưa đến 10.000 shots nhưng các lớp cao su của máy bị bong tróc, sần, trầy xước. Các nút bấm, bánh xe điều khiển, bánh xe driver bị nghẹt, không nhạy… Vì thế trước khi rước cục con cưng của mình về thì các bạn phải kiểm tra hết các khe cắm thẻ nhớ, khe cắm kết nối của máy ảnh, độ nẩy của các nút bấm, độ nhạy của bánh xe điều khiển, bánh xe driver, lớp cao su bảo vệ các khe cắm của máy, bật flash lên và chụp thử xem còn hoạt động tốt không? Kiểm tra hot shoe xem khe cắm flash của máy còn tốt không? Tiếp đến kiểm tra các vị trí đinh ốc của máy xem có bị tróc sơn, bị mở tháo máy hay chưa? Nếu máy ảnh đã bị tháo mở để sửa chữa thì nên xem xét lại vì có những lỗi của máy ảnh ở Việt Nam mình chưa thể khắc phục được sẽ ảnh hưởng đến chất lượng hình ảnh.

Tiếp đến tháo ống kính ra và chụp thử một tấm màu đen để kiểm tra số điểm ảnh chết trên cảm biến. Nếu trên màn hình xuất hiện nhiều chấm li ti thì đó là các điểm ảnh chết trên cảm biến điều đó sẽ ảnh hưởng đến chất lượng của tấm hình. Các lỗi đó có thể do bụi, hot pixel, dead pixel. Nếu lỗi đó do bụi thì có thể dễ dàng lau sạch được. Còn lỗi do hot pixel là những điểm ảnh có màu khác biệt và không có vị trí cố định, xuất hiện khi cảm biến nóng lên do phơi sáng lâu hoặc chụp với nguồn sáng ngược có cường độ mạnh. Dead pixel là lỗi có những điểm chết cố định chỉ hiển thị được một màu sắc nào đó. Với lỗi hot pixel và dead pixel gần như không thể chữa được nên chỉ có việc thay thế cảm biến vì thế khi gặp 2 lỗi này chúng ta nên dừng lại việc mua bán.


 Kiểm tra cảm biến máy ảnh xem có bị các lỗi bụi bẩn, hot pixel, dead pixel 



 Kiểm tra bật đèn flash xem còn hoạt động được hay không? 


 Kiểm tra khe cắm thẻ nhớ, khe cắm kết nối máy ảnh với các thiết bị khác xem còn hoạt động tốt không? 




 Kiểm tra độ nẩy, độ nhạy của các nút bấm, bánh xe điều khiển, bánh xe driver xem có bị kẹt hay nhạy quá mức không?



 Kiểm tra các ốc vít nằm dưới ngay các lớp cao su, sau ống ngắm của máy ảnh xem có bị trầy xước, tháo mở máy hay chưa?

 - Điều tiếp theo chúng ta quan tâm đến các phụ kiện của máy, chế độ bảo hành ra sao khi chúng ta mua lại chiếc máy ảnh cũ. Về các phụ kiện đi kèm các bạn phải hỏi thật kỹ người bán hàng thật kỹ trước khi lấy máy, nếu thiếu các phụ kiện đính kèm so với nguyên bản của nó thì giá cả sẽ phải thay đổi đáng kể không tính phần khấu hao của máy. Về chế độ bảo hành thì các bạn nên mua tại những địa điểm uy tín, có giấy bảo hành đảm bảo và các chế độ bảo hành rõ ràng.

Tiếp đến ống kính của máy ảnh 
Với các dòng máy có ống kính rời đi kèm, đầu tiên các bạn nên xem xét ống kính có bị trầy, móp, vòng gắn filter có bị hỏng không. Sau đó, dùng một chiếc đèn pin nhỏ để kiểm tra kỹ mặt trước và mặt sau của ống kính máy ảnh, nếu phát hiện bụi bặm, bị mờ, sương đọng hay những tia vằn vện, lốm đốm do bị nấm mốc, rễ tre thì các bạn nên cân nhắc lại. Những điều này chứng tỏ ống kính không được bảo quản tốt trong điều kiện độ ẩm cao và sẽ làm ảnh hưởng đến quá trình chụp ảnh cũng chất lượng ảnh. Tiếp theo, cần kiểm tra khả năng lấy nét tự động, tốc độ chụp của ống kính bằng cách chụp thử vài bức hình ở các độ mở khác nhau. Ngoài ra, bạn nên zoom gần, zoom xa nhiều lần để nghe xem máy có phát ra tiếng kêu khác thường nào hay không.


 Kiểm tra ống kính bằng cách soi lên bóng đèn hoặc soi thẳng ra nguồn sáng khác thật kỹ xem có bị mốc, rễ tre, hay bị các viền mờ vòng quanh ống kính?


 2. Với máy ảnh không gương lật Mirrorless 

 Với dòng máy ảnh này hiện đang có xu hướng phát triển hơn trên thị trường và đang được rất nhiều người quan tâm cũng như ngày càng có nhiều hãng sản xuất và liên tục tung ra các sản phẩm mới của mình. Vì cơ chế hoạt động của dòng máy ảnh này không có gương lật vì thế kinh nghiệm khi mua máy ảnh cũ loại này chúng ta thường quan tâm đến các vị trí ốc vít xem có trầy xước, có dấu hiệu tháo mở máy ra sửa chữa hay chưa? Kiểm tra hình thức bên ngoài của máy xem các vị trí cao su có bị bong tróc, sờn, các nút bấm chức năng có độ nẩy hay không? Các bánh xe điều khiển còn hoạt động tốt nhạy nữa không? Việc kiểm tra các lỗi của cảm biến tương tự giống như dòng máy ảnh DSLR.


 Tương tự với DSLR với Mirrorless cũng cần kiểm tra các ốc vít của máy xem đã bị tháo mở máy hay chưa? Kiểm tra cảm biến có bị các lỗi về bụi bẩn, hot pixel, dead pixel hay không?

 Cuối cùng để có thể mua được một chiếc máy ảnh cũ ưng ý chất lượng và thỏa mãn được niềm đam mê của mình. Các bạn nên tìm hiểu kỹ trước sản phẩm mà mình có ý định đến xem. Với các lỗi thông thường như bụi bẩn, ngoại hình có thể trầy xước xíu nhưng mọi thứ bên trong của chiếc máy ảnh hoạt động tốt và cho chất lượng hình ảnh tốt thì chúng ta vẫn có thể dùng được, nếu chiếc máy ảnh đó có lỗi liên quan đến cảm biến, màu sắc, ảnh hưởng trực tiếp chất lượng hình ảnh thì nên xem xét lại và có thể dừng ngay việc mua bán. Trên đây là một số ít chia sẻ của cháu sẽ còn rất nhiều thông tin khác nữa nhờ sự góp ý của các bạn nhiều kinh nghiệm hơn.



Theo: Xomnhiepanh

HaThanh

About HaThanh -

Blog chia sẻ, sưu tầm bài viết về các chủ đề nhiếp ảnh

Subscribe to this Blog via Email :